Sự trỗi dậy của “đại bàng” nội và động lực để Việt Nam vươn mình cất cánh

Gần 4 thập kỷ qua, khối kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển thần kỳ. Tuy nhiên, để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, các doanh nghiệp tư nhân cần tăng tốc, bứt phá hơn nữa.

Hơn một thập kỷ trước, câu chuyện doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không sản xuất nổi chiếc ốc vít theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) từng gây xôn xao dư luận.

Điều này cũng được các đại biểu Quốc hội khóa 13 đưa ra dẫn chứng khi nói về sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Đào tạo mỗi năm bao nhiêu tiến sĩ mà tại sao không sản xuất nổi con ốc vít, vậy làm sao tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu”, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) từng trăn trở.

Thời điểm đó, câu chuyện doanh nghiệp Việt “lắc đầu” với cơ hội mà doanh nghiệp Hàn Quốc này mang đến đã đặt ra không ít lo ngại cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Bởi đây là ngành có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất của một quốc gia.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau, 4 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã đạt cấp độ nhà cung ứng cấp 1 của Samsung và tiếp tục gia tăng số lượng nhà cung ứng cho “ông lớn” Hàn Quốc trong những năm sau đó. Đến năm 2023, 306 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới cung ứng của gã khổng lồ công nghệ và bán dẫn Hàn Quốc.

Kết quả này đã phản ánh phần nào nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước, từ một quốc gia được biết đến nhiều với việc gia công, lắp ráp, Việt Nam đã có những bước tiến lớn khi tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt là khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt đã tự sản xuất sản phẩm “made in Việt Nam” với sự đầu tư bài bản, nghiêm túc.

Khối kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh
Trong gần 4 thập kỷ qua, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức 14,1 tỷ USD lên 476,3 tỷ USD trong năm 2024 với tốc độ tăng trưởng GDP vượt mức 7%, đứng thứ 33 thế giới. Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những quốc gia nghèo bậc nhất châu Á trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và là trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới. Để đạt được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân.

Nhìn lại lịch sử gần 40 năm đổi mới (kể từ năm 1986 đến nay), khu vực doanh nghiệp tư nhân đã có những bước phát triển thần kỳ cả về số lượng và chất lượng. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), đến cuối năm 2024, Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra còn có khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.

Đến nay, doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp khoảng 45% GDP, 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước và thu hút 85% lực lượng lao động. Trong nhiều năm qua, khu vực này luôn tăng trưởng với tốc độ cao hơn so với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã “lột xác” phát triển mạnh mẽ, tích lũy đủ năng lực về vốn, công nghệ và quản trị, xây dựng thương hiệu vươn ra khu vực và thế giới.

HotlineChat Zalo